4 giá trị mà bộ phận kinh doanh mang lại cho bạn
Với background của một dân kinh tế, việc thực tập sớm luôn là “cái gai nhộn nhạo” trong lòng mình khi vừa bước chân vào môi trường đại học, kết thúc kỳ 1 với cả kỳ chỉ biết nằm và vô định hướng, kỳ 2 mình đã quyết tâm phải đi thực tập, việc gì cũng được miễn là có kinh nghiệm văn phòng vì mình đang quá “khát”. Mình đã chọn thực tập tại mảng kinh doanh vì sinh viên kinh tế thì mình xác định khó mà sản xuất sản phẩm, kỹ năng chu chuyển và hỗ trợ lưu thông sản phẩm sẽ phù hợp nhất và giúp mình phát triển lâu dài.
Vậy mình đã nhận được những giá trị gì trong suốt khoảng thời gian đồng hành với công ty và công việc?
1. Kinh nghiệm
Hẳn kinh nghiệm đều là mục đích số một với mọi sinh viên, và mình cũng thế. Mình “khát” kinh nghiệm tới mức đã đi xin rất nhiều nơi thực tập không lương để đổi lại sự training của các anh chị, kết quả đương nhiên là bị từ chối, và rất may đã bén duyên với nơi hiện tại mình đang làm.
Kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm là hai điều giá trị cốt lõi mà mình nhận được:
1.1. Kỹ năng chuyên môn
Vị trí Sale dạy mình thực chiến và hiểu rõ hơn những kiến thức trong cuốn “Quản trị kinh doanh” và “Marketing căn bản” dạy, khác hẳn khi chưa đi làm đọc chỉ thấy mông lung và xa vời.
Trải nghiệm đi làm cũng giúp mình hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, cách vận hành doanh nghiệp, hiểu sơ về công việc các phòng ban khác trong bộ máy công ty.
Mình được học về các tools phân tích con người như thần số học, DISC,.., để thêm thấu hiểu – hoàn thiện bản thân, cũng như tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong định hướng hay khi gặp trục trặc về vấn đề học hành, cuộc sống.
Mình có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc với Marketing, ngành mà mình luôn thích và ươm ủ từ lâu.
1.2. Kỹ năng mềm
+ Giao tiếp: mình đã cải thiện khả năng giao tiếp thông qua những cuộc trò chuyện với khách hàng, sếp và nhân sự. Công việc đã thúc đẩy mình mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, chủ động kết nối và trao đổi. Giao tiếp là một nghệ thuật, khéo léo sẽ hỗ trợ mình cũng như các bạn trong công việc và cuộc sống, như là sếp mình từng dạy “mồm miệng đỡ chân tay”, thực sự ấn tượng và vỡ vạc.
Không chỉ đàm phán trong công việc, mà cả các mối quan hệ cuộc sống như người thân bạn bè, người yêu, mình đã biết cách điều hòa cảm xúc, giao tiếp khéo léo để thương thảo vấn đề và tìm ra giải pháp cũng như tiếng nói chung, thay vì phải hứng chịu hoặc tạo ra những cuộc trò chuyện kết thúc trong cãi vã và toxic.
+ Quản trị bản thân: trái với cái năng lượng u uất nằm cả kỳ 1 trong phòng trọ lướt điện thoại hết ngày, khi mình đi làm, tiếp xúc với môi trường mới, bạn bè anh chị mới, cảm nhận được năng lượng của mọi người thì cũng được “lây” hứng khởi và tự ý thức push bản thân học hành thật tốt, sắp xếp thời gian.
+ Quản lý thời gian: vẫn là câu chuyện cả kỳ 1 chỉ học 4 môn mà lúc nào cũng thấy thiếu và ngộp, đều là do quá rảnh đâm lười, “dành thời gian vào việc vô bổ và thiếu thời gian cho việc cần thiết”.
Cho đến khi đi làm, gặp gỡ những anh chị, những bạn cũng sinh viên mà cân bằng thật tốt học – làm, học bổng đều đặn mỗi kỳ, quán quân á quân bao cuộc thi, mình mới có áp lực để tự sắp xếp và ý thức học hành để không thua kém.
Giờ đây, mình không chỉ lên to-do list cho từng ngày mà còn cần lên plan cho cả tháng, cũng cảm ơn do tính chất công việc yêu cầu mà giúp mình biết cách hoàn thiện bản thân.
+ Lòng biết ơn: trước khi đi làm thì mình đã hoạt động ở clb tình nguyện và ban đầu hơi bị ngợp vì những quy định gắt gao. Tuy nhiên, khi đi làm, được học và phân tích về văn hóa biết ơn cũng như việc bật ra lời cảm ơn, mình đã tích cực hơn rất nhiều, thêm biết ơn và cảm mến những người từng dẫn dắt và chỉ dạy.
Mình học được tâm thái “chiếc ly rỗng” khi đón nhận sự chỉ dạy của mọi người chứ không lưng chừng “đã biết nửa vời” như ngày ngô nghê.
2. Networking
Mình được kết nối và làm việc với những mentor có nhiều kinh nghiệm, trong cả công việc và cuộc sống, những người mà nếu không đi làm thì mình cũng chẳng bao giờ có thể có liên hệ.
Mình có thêm những mối quan hệ thật sự chất lượng và bền vững khi đồng hành cùng nhau làm việc và phát triển, những người sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ khi mình cần, những “hội đồng quản trị” thân thiết như gia đình.
3. Lương
Mình nhận được mức lương tương xứng với sức bản thân cống hiến, và việc đi làm sớm khiến mình sớm quý trọng đồng tiền, quý trọng công sức lao động của bố mẹ và chi tiêu hợp lý hơn.
4. Hiểu rõ hơn về ngành thay vì chìm trong những định kiến từ quá khứ
Nhân viên của phòng kinh doanh, tên gọi của vị trí này là Sale. Hầu hết mọi người đều định kiến với sale và mình cũng vậy, và mình vẫn quyết định thử trải nghiệm để xem thực sự chính mình phù hợp gì, và mình đã nhận được rất nhiều giá trị như trên – điều mà nếu chỉ lấp ló đứng ngoài với một bộ não toàn định kiến thì sẽ chẳng bao giờ nhận được.
Sale là một bộ phận cần thiết của doanh nghiệp và best seller rất có giá trị trong mắt nhà tuyển dụng. Với những trải nghiệm của mình, không có ngành nào không tốt, mọi ngành nghề đều chính đáng và đóng góp vào sự phát triển xã hội, điều khác biệt là cách làm việc của mỗi người.
Bạn bán hàng có tâm, đồng hành hỗ trợ cùng khách hàng suốt quá trình sử dụng dịch vụ sản phẩm để đối phương gặt hái thành quả tốt nhất thì sale là một việc rất nhân văn. Networking chất lượng của mình không chỉ là đồng nghiệp và sếp, mà còn là những khách hàng mình đã tư vấn và hỗ trợ.
*** Lời kết
Trải qua gần 1 năm làm kiên trì, mình từ vị trí Intern đến Supervsior, mình biết ơn người anh đã dẫn đường cho mình bén duyên với công việc, biết ơn những mentor đã hướng dẫn và chỉ dạy, biết ơn những nhân sự đã đồng hành cùng mình thực hiện mục tiêu, và biết ơn bản thân đã kiên trì không từ bỏ.
Nếu bạn cũng thuộc dân kinh tế, thì vị trí tại phòng kinh doanh là một điều đáng để apply và trải nghiệm cũng như phát triển bản thân.